Một số loại nến thơm khi đốt có thể thải ra những hóa chất độc hại, gây ảnh hưởng đến sức khỏe. Những lời khuyên sau đây sẽ giúp bạn chọn mua và sử dụng nến một cách an toàn.
Không nên dùng nến thơm để thực hiện phương pháp trị liệu bằng hương thơm (aromatherapy) nếu không có đủ hiểu biết về sản phẩm này hoặc không tìm được nến của các hãng có uy tín. Lý do là vì một tỉ lệ không nhỏ nến thơm, nhất là các sản phẩm xuất xứ không rõ ràng thường có bấc lõi chì hoặc các hóa chất độc hại khác.
Khi chọn mua nến thơm, bạn nên xem kỹ phần bấc. Tốt nhất là mua nến có bấc hoàn toàn bằng sợi bông (không lõi) hoặc bấc lõi giấy. Nếu bấc có lõi kim loại thì phải xem đó có phải là chì hay không. Có một cách kiểm tra khá đơn giản: Vạch đầu sợi lõi bấc vào giấy, nếu thấy xuất hiện các đường màu xám như màu bút chì thì không nên mua.
Các loại nến làm bằng paraffin nhìn chung được coi là an toàn, nhưng trong một số trường hợp (những người mẫn cảm, phụ nữ mang thai, trẻ em…), khói paraffin khi cháy cũng có thể gây kích thích da, mắt, đường hô hấp, nôn mửa. Nếu có điều kiện, nên mua các loại nến làm bằng các nguyên liệu tự nhiên như sáp ong, sáp đậu nành vừa an toàn cho sức khỏe, vừa có mùi thơm dễ chịu.
Nếu bấc nến quá dài thì trước khi thắp nến cắt ngắn bớt, chỉ để lại chừng 0.5cm. Bấc càng dài, lửa càng lớn thì lượng muội khói độc càng nhiều.
Không thắp nến ở nơi hút gió. Gió làm lửa nến cháy không đều, nhiều khói. Ngoài ra, gió còn đưa khói mang theo các chất độc phát tán rộng khắp. Trong số những chất này có thể có một số hydrocar-bon thơm đa vòng, một trong những thủ phạm gây ung thư, tổn thương thần kinh rối loạn nội tiết.
Không thắp nến trong phòng kín hoặc gần những nơi có nhiều đồ dùng bằng vải như màn cửa, thảm, chăn đệm… vừa dễ xảy ra hỏa hoạn, vừa là môi trường để các chất độc hại trong khói nến có thể lưu lại lâu dài.
Theo Khoa học & Đời sống