Việc thắp một ngọn nến với mùi hương yêu thích cũng có thể khiến bạn cảm thấy thoải mái. Vậy có cần phải lo lắng về những gì mình đang hít vào không?
Nến thơm có an toàn không?
Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Regulatory Pharmacology and Toxicology vào năm 2014 đã đánh giá các chất hóa học từ nến thơm. Nghiên cứu này cho thấy trong điều kiện sử dụng bình thường, nến thơm không gây nguy hiểm cho sức khỏe người tiêu dùng. Tuy nhiên, nguy cơ nhiễm độc tăng lên khi nến được đốt trong không gian kín trong thời gian dài. Theo bác sĩ Megan McBride tại Four Moons Spa ở Encinitas (Mỹ), mức độ độc hại của nến tùy thuộc vào vật liệu được sử dụng để làm ra chúng. Các nghiên cứu đã khẳng định các sản phẩm có mùi thơm nói chung có thể gây ra phản ứng bất lợi, đặc biệt là ở những người bị hen suyễn hoặc nhạy cảm với hóa chất hoặc hương thơm, theo Shape.
Bấc, khói, muội than
Nến có chì hoặc bấc chứa kim loại khác có thể độc hại. Tuy nhiên, hầu hết các nhà sản xuất đã ngừng sử dụng bấc có pha chì từ những năm 70 của thế kỷ trước. Vì vậy, đó không còn là mối quan tâm đáng lo. Bất cứ thứ gì dễ bắt lửa đều có thể giải phóng carbon và bồ hóng qua khói. Muội than là chất màu đen xung quanh bấc hoặc trên bề mặt của sáp sau khi đốt nến. Nến thơm thường tạo ra nhiều muội than hơn vì các hợp chất được thêm vào để tạo mùi hương làm thay đổi tỷ lệ cacbon-hydro trong nến. Các hạt bồ hóng có thể gây viêm ở các bộ phận khác nhau của hệ hô hấp, thậm chí gây viêm phế nang. Lượng muội than bay ra từ nến có thể không nguy hiểm, nhưng vẫn nên tránh hít trực tiếp, theo Shape.
Nến sáp
Nhiều loại hương liệu tổng hợp và sáp nến parafin tạo ra các chất hóa học như formaldehyde và benzen, đặc biệt là khi bị đốt cháy. Các chất này có thể gây ung thư. Tuy nhiên, cần phải có thêm nhiều nghiên cứu để trả lời câu hỏi liệu lượng hóa chất mà chúng ta tiếp xúc khi đốt nến trong nhà có đạt đến mức gây hại cho sức khỏe hay không, theo Shape.
Hầu hết nến được làm bằng sáp parafin có nguồn gốc từ dầu mỏ. Khi đốt, chúng thải ra muội than chứa các chất hóa học tương tự như trong khí thải động cơ diesel. Trong khi các loại sáp có nguồn gốc từ thực vật và tự nhiên như sáp cọ, sáp dừa, sáp ong và sáp đậu nành là những lựa chọn tốt hơn vì tạo ra ít muội than hơn.
Hương liệu
Hương liệu tổng hợp và tinh dầu đều chứa chất gây dị ứng. Đối với một số người, tinh dầu có thể rất độc, đặc biệt là phụ nữ mang thai.Bất kỳ sản phẩm nào có chứa hương liệu đều có phthalates. Phthalate là hóa chất được sử dụng để làm cho nhựa dẻo hơn và có thể có tác động tiêu cực đến sức khỏe con người, theo Shape. Tuy nhiên, những tác động đến sức khỏe con người khi tiếp xúc với mức độ phthalate thấp vẫn chưa rõ.
Cách đốt nến an toàn
Theo các chuyên gia, nên sử dụng nến thực vật hoặc sáp ong với bấc không chứa kim loại, nên đốt ở khu vực thông gió, đốt trong thời gian ngắn. Bất kể bạn đang dùng loại nến nào, hãy nhớ các mẹo sau để giúp nến cháy lâu hơn, sạch hơn, ít khói và bụi bẩn hơn, theo Shape.
Có thể bạn quan tâm: Hướng dẫn sử dụng nến thơm
- Cắt bấc xuống còn 1/4 và chỉ đốt trong vài giờ mỗi lần. Việc cắt tỉa bấc sẽ giúp giảm muội than.
- Đốt trong phòng thông gió tốt, nhưng không có gió lùa, nếu không nến sẽ cháy quá nhanh và không đều.
- Dùng dụng cụ tắt nến để dập tắt ngọn nến hoặc thổi tắt ở bên ngoài để ngăn muội than và khói bay trong nhà.
Nguồn: thanhnien.vn/suc-khoe/nen-thom-co-hai-khong-1336825.html