Sáp cọ (tên tiếng anh là Palm Wax, còn gọi là Stearin) là loại sáp thiên nhiên 100%, gồm có 2 dạng: Sáp cọ dùng cho nến ly và sáp cọ dùng làm nến trụ. Cùng với sáp đậu nành, sáp cọ là loại sáp mới được sử dụng trong thời gian gần đây. Nếu bạn muốn một cây nến sạch, hoàn toàn được làm từ nguyên liệu tự nhiên thì nến sáp cọ là lựa chọn thích hợp. Câu hỏi đặt ra là: Sáp cọ là gì? Phân biệt sáp cọ với các loại sáp khác thế nào? Nến sáp cọ có gì khác so với các loại nến sáp khác? Hãy cùng tìm hiểu kỹ hơn để biết rằng tại sao chúng ta nên sử dụng nến sáp cọ.

Sáp cọ (Palm Wax)

Sáp cọ là gì?

Từ tên gọi của nó hẳn bạn đã đoán được nguồn gốc của loại sáp này rồi. Từ đẳng thức: Sáp cọ = Sáp + Cọ  ~~~> Sáp cọ là loại sáp được làm từ cây cọ. Tương tự như Sáp Paraffin, nó có 2 dạng: lỏng (Palm Oil) và rắn (Palm Wax). Ở khu vực Đông Nam Á, Indonesia là nước có lượng xuất khẩu dầu cọ và sáp cọ lớn nhất. Trong ngành công nghiệp làm nến, sáp đậu nành và sáp cọ đều là nguồn nguyên liệu mới (Renewable Resource) nhưng do nhiệt độ nóng chảy khác nhau nên sáp đậu nành thường được sử dụng làm nến cốc trong khi sáp cọ thường được dùng làm nến trụ.

Sáp cọ (Palm Wax)

Phân biệt sáp cọ với các loại sáp khác như thế nào?

Sáp cọ có màu trắng, ở dạng tinh thể như hạt đường nhưng tròn hơn và có độ nóng chảy cao, chính bởi đặc tính này sáp cọ còn được sử dụng như là chất phụ gia cho nến paraffin để làm cây nến cứng hơn và thắp sáng được lâu hơn.

Với đặc tính cứng của mình, sáp cọ thường được sử dụng làm nến trụ (Pillar Candles), tuy nhiên bạn hoàn toàn có thể dùng làm nến cốc (Container Candles). Do độ nóng chảy cao + đặc tính của sáp nở ra lúc lỏng và co khi vào lúc cứng nên nến sáp cọ khi khô hoàn toàn sẽ co lại rất lớn, thuận lợi cho việc tháo khuôn khi làm nến trụ nhưng bất lợi khi làm nến cốc.

Nến sáp cọ và các loại nến khác

Có bao giờ bạn phân vân tự hỏi: “liệu cây nến sáp ong mình mua có hoàn toàn là sáp ong? cốc nến đậu nành của mình có 100% sáp đậu nành hay đã bị pha với loại sáp khác? Mình chỉ biết người bán nói thế chứ có phân biệt được loại nào với loại nào đâu”. Có câu “Chỉ có người mua nhầm chứ người bán không bao giờ nhầm” câu này đúng đến 99.9%, sai chỉ có 0.1% và tỉ lệ này hoàn toàn đúng với nến sáp cọ. Tại sao lại vậy? Nến cọ rất dễ phân biệt với các loại nến khác bởi bề mặt hơi xù xì và có hoa văn trên thân nến (tùy theo nhiệt độ khi đổ khuôn, thời gian làm lạnh nến hay quy trình chế biến sáp cọ mà cho ra nhưng loại hoa văn khác nhau) như vết nứt bề mặt  hoặc chia theo khối như mai rùa hoặc bề mặt nến lóng lánh hay kết hoa …

Sáp cọ (Palm Wax)

Quy trình làm nến cọ khá đặc biệt. Để tạo được hoa văn trên bề mặt nến, nhiệt độ sáp cọ khi đổ khuôn phải đạt 91 – 93 độ C và thời gian nến khô càng lâu càng tốt. Đạt được 2 điều này, nến thành phẩm sẽ đạt được bề mặt mong muốn. Tuy nhiên cũng giống như sáp ong, do sáp cứng và độ nóng chảy cao nên bấc được sử dụng phải lớn hơn cỡ bấc sử dụng cho nến paraffin với hình dạng tương tự.

Một điểm đặc biệt nữa của nến cọ chính là khi bạn thắp sáng lớp nến ngoài cùng sẽ không cháy hết dù có chọn đúng cỡ bấc đi chăng nữa, tạo thành lớp vỏ bên ngoài như một lớp lồng đèn. Khi nến cháy sẽ hắt ánh sáng lên vỏ, kết hợp với hoa văn sẽ làm cây nến của bạn thêm lung linh hơn.

Nói về nhược điểm của nến sáp cọ có chăng chính là nó khó hòa tan với Fragrance Oil, do vậy muốn tạo mùi thơm cho nến cọ bạn nên sử dụng loại mùi hương đậm đặc (Concentrated Oil).

Cùng với sáp ong, sáp cọ và sáp đậu nành là lựa chọn số 1 cho những người yêu nến thơm thiên nhiên. Nếu bạn cũng là người yêu nến tại sao không thử làm những cây nến sáp cọ cho riêng mình?

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *